Các Bệnh Viện Thí Đểm Cơ Chế Tự Chủ Toàn Diện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu Nghị Việt Đức Và K

Ngày 19 tháng 5 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

Căn cứ các quy định hiện hành, cơ chế tự chủ của bệnh viện có thể được hiểu là việc các bệnh viện được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, đầu tư và giá dịch vụ y tế.

Triển Khai Cơ Chế Tự Chủ Toàn Diện Của Các Bệnh Viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu Nghị Việt Đức Và Bệnh Viện K

Để thực hiện, bệnh viên cần xây dựng Đề án tự chủ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hàng năm sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.

Về phía quản lý nhà nước, Bộ Y tế, ban hành các quy trình về chuyên môn, nghiệp vụ, khung giá dịch vụ theo yêu cầu trên cơ sở tính đúng, tính đủ, có tích lũy, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển các Bệnh viện. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các Bệnh viện thực hiện theo đề án được phê duyệt. Sau 02 năm triển khai thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn:

Bệnh viện được quyết định quy mô bệnh viện khi đáp ứng đủ các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất.

Bệnh viện được quyết định chỉ tiêu và kế hoạch hoạt động của bệnh viện bảo đảm phù hợp với các quy định về chuyên môn do Bộ Y tế ban hành và phù hợp với điều kiện, khả năng của bệnh viện.

Bệnh viện được quyết định việc lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, danh mục và quy trình kỹ thuật đã được Bộ Y tế ban hành thực hiện tại bệnh viện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, phân tuyến chuyên môn và các dịch vụ kỹ thuật cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, phù hợp với mục tiêu phát triển của bệnh viện, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bệnh viện được quyết định hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với quy định của các Luật chuyên ngành; tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ.

Hội đồng quản lý Bệnh viện

Khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Tổng Giám đốc/Giám đốc bệnh viện theo Đề án của mỗi bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thời gian tối đa là 02 năm. Trong thời gian này, Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trình Bộ trưởng Bộ Y tế; phương án kiện toàn Hội đồng quản lý khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

Hội đồng quản lý có từ 07 đến 11 người, trong đó có 01 đại diện của Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về tuổi của Chủ tịch Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý bệnh viện

Trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các bệnh viện thành viên thuộc bệnh viện.

Phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của bệnh viện.

Phê duyệt chiến lược, định hướng phát triển của bệnh viện.

Quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với Tổng Giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. Riêng tiêu chuẩn đối với Tổng Giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn phải phù hợp với các quy định của Bộ Y tế. Các chức danh Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc khác, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Số lượng cấp phó thực hiện theo Đề án của mỗi Bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trường hợp thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên: Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và quyết định, chịu trách nhiệm về việc thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên.

Quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu, số lượng người làm việc; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Đối với bệnh viện có thành lập chuỗi các bệnh viện thành viên thì căn cứ theo quy mô của bệnh viện thành viên, Hội đồng quản lý ban hành quy chế tổ chức hoạt động theo quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế. Lãnh đạo bệnh viện thành viên có 01 Giám đốc và các Phó Giám đốc, trong đó có 01 Phó Giám đốc phụ trách kinh tế. Giám đốc của bệnh viện thành viên là thành viên của Hội đồng quản lý.

Ban Kiểm soát bệnh viện

Ban Kiểm soát có từ 05 đến 07 thành viên, gồm Trưởng ban, 01 Phó Trường ban và các thành viên.

Thành viên của Ban Kiểm soát là viên chức của đơn vị, được đào tạo một trong các chuyên ngành về tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh, chuyên môn y – dược và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc. Trưởng Ban Kiểm soát có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc.

Trưởng ban và các thành viên của Ban do Đại hội Công nhân viên chức của đơn vị bầu nhưng không phải là thành viên của Hội đồng quản lý, không được là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị.

Căn cứ kết quả bầu Trưởng ban và thành viên Ban Kiểm soát, Chủ tịch Hội đồng quản lý trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, phê chuẩn.

Các quyết định của Ban được thông qua khi có trên 50% số thành viên Ban biểu quyết tán thành hoặc bỏ phiếu kín đồng ý.

Hội đồng quản lý trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát.

Tự chủ đầu tư, mua sắm và quản lý tài sản:

Các dự án đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn vay, vốn huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật:

Các dự án nhóm A thực hiện theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C theo đề nghị của Hội đồng quản lý. Hội đồng quản lý chịu trách nhiệm trước pháp luật về đề xuất chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Y tế phân cấp cho Chủ tịch Hội đồng quản lý quyết định đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C sau khi được Bộ Y tế phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thực hiện theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Về mua sắm, tiêu chuẩn định mức tài sản công: Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Hội đồng quản lý chịu trách nhiệm:

Quyết định việc áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công của đơn vị (bao gồm cả thiết bị máy móc chuyên dùng) trừ tiêu chuẩn, định mức làm việc, xe ô tô, máy móc, thiết bị của các chức danh quản lý theo quy định để làm cơ sở đầu tư, mua sắm và thuê tài sản để phục vụ quản lý và nâng cao chất lượng chuyên môn.

Quyết định mua sắm tài sản, thuê tài sản (trừ xe ô tô chức danh Lãnh đạo quản lý theo quy định) từ nguồn thu sự nghiệp, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn vay, vốn huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để phục vụ chuyên môn.

Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm: thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao; hàng hóa (máy móc, trang thiết bị), các dịch vụ liên quan đến hoạt động đơn vị, trừ các loại thuốc, hàng hóa, tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung, thuốc thuộc danh mục đàm phán giá từ nguồn thu sự nghiệp, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn vay, vốn huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo hoạt động chuyên môn của bệnh viện.

Quyết định cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển chuyên môn của bệnh viện và an toàn cho người bệnh.

Quyết định phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến thống nhất về chủ trương của Bộ Y tế. Riêng các đề án sử dụng tài sản là cơ sở hoạt động của bệnh viện có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỷ đồng trở lên do Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt sau khi có ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Hội đồng quản lý quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và phê duyệt quyết toán hoàn thành các dự án đầu tư Nhóm B, C;

Đối với các Dự án nhóm B, nhóm C không sử dụng nguồn vốn đầu tư công: Bộ trưởng Bộ Y tế phân cấp toàn diện cho Chủ tịch Hội đồng quản lý từ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đến phê duyệt quyết toán hoàn thành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình

Về chi tiền lương:

Đơn vị được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập và được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị.

Đối với các thành viên Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát là công chức, viên chức của đơn vị thì được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm, tiền thưởng và các phúc lợi khác theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Các thành viên không là công chức, viên chức của đơn vị được chi trả thù lao theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Về Giá dịch vụ:

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế: áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành.

Giá dịch vụ y tế theo yêu cầu: Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam. Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Trước Nghị quyết 33, các cơ sở ý tế là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ quy định tại các nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu, nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập./.

Tình hình thực hiện nghị quyết số 33:

Thực hiện nghị quyết 33, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành:

  1. Quyết định 268/ QĐ- TTg ngày 17/2/2020 phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020-2021;
  2. Quyết định số 1423/ QĐ- TTg ngày 17.9.2020 phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện K giai đoạn 2020-2022.

Tại buổi làm việc với Quyền Bộ Trưởng Bộ Y Tế ngày 18/8/2022, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện tự chủ theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP, nhóm 2.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ 15/8/2021. Nghị định gồm 05 Chương và 41 Điều quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:

  1. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1);
  2. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2);
  3. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3);
  4. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4);
  5. Tự chủ về giao dịch tài chính và liên doanh, liên kết;
  6. Tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế – dân số;
  7. Tự chủ về tài chính của cơ sở giáo dục, đào tạo; giáo dục nghề nghiệp;

Nghị định 60/2021/NĐ-CP áp dụng đổi với:

  1. Đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công);
  2. Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công thuộc đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan;
  3. Đơn vị sự nghiệp công thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được áp dụng quy định tại Nghị định này và các quy định của Đảng và của pháp luật khác có liên quan;
  4. Đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo Hiệp định và cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước hoặc tổ chức quốc tế thực hiện cơ chế tài chính theo cam kết, Điều ước quốc tế hoặc Quyết định đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Các quy định tại các văn bản sau hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định 60/2021/NĐ-CP này có hiệu lực thi hành:

  1. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
  2. Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;
  3. Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;
  4. Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Đến cuối tháng 8/2022, Bệnh viện K cũng xin dừng thí điểm Nghị Quyết 33 và đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện tự chủ theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP, nhóm 2.

Trước đó, vào 01/7/2021, Bộ Tài chính đã có đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định không tiếp tục thí điểm tự chủ đối với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức.

Cụ thể, tại Văn bản số 7203/BTC-HCSN ngày 1/7/2021 trả lời Công văn 4912/BYT-TCCB ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Chợ Rẫy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế thực hiện đánh giá tình hình thực hiện thí điểm tự chủ tại BV Bạch Mai và BV K như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 3897/VPCP-KGVX ngày 11/6/2021; trong đó đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua làm cơ sở cho việc đề xuất thực hiện thí điểm tự chủ với BV Hữu Nghị Việt Đức và BV Chợ Rẫy.

Theo Bộ Tài chính, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021, quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực: giáo dục – đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế – dân số; văn hóa – thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác.

Tại Nghị định 60 đã quy định về phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công gồm: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và quy định cụ thể về cơ chế tự chủ tài chính đối với từng loại hình sự nghiệp công.

Khoản 1 Điều 35 Nghị định 60 quy định:

“Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 5 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (bộ, cơ quan Trung ương với đơn vị thuộc Trung ương quản lý; UBND cấp tỉnh, cấp huyện với đơn vị thuộc địa phương quản lý). Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 4 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này”.

Trên đây là cập nhật về tình hình thí điểm tự chủ đối với các bệnh viện theo quy định tại nghị quyết số 33/NQ-CP của Hãng luật DNP ./.